http://vietminhtam.blogspot.com

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

nhân tài không thiếu nhưng cần giữ nhân tài ra sao ?

nhân tài không thiếu nhưng cần giữ nhân tài ra sao ? Viết lúc 03:03 sáng 07/09/2011


Nhân tài cần được đãi ngộ đặc biệt

Thứ Ba, 06/09/2011 23:48
Nước ta có nhân tài nhưng họ chưa có môi trường thuận lợi để phát huy tài năng.
“Không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài”- ông Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nhấn mạnh tại hội thảo Công tác nhân tài ở Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực hiện được Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức ngày 6-9 tại Hà Nội.
Nhân tài cần được sử dụng, khai thác hợp lý. Ảnh: PDA
Nhân tài “lý thuyết”

GS Dương Phú Hiệp, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng nước ta có nhân tài nhưng họ chưa có môi trường thuận lợi để phát huy tài năng. Cách đào tạo nhân tài của Việt Nam nghiêng về lý thuyết, ít có điều kiện thực hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, muốn đánh giá, sử dụng, trọng dụng đúng nhân tài cần phải khắc phục những cản trở sự xuất lộ của nhân tài, cản trở sự phát hiện, tuyển chọn và sử dụng nhân tài. GS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, thẳng thắn nêu: Việc đánh giá, sử dụng nhân tài, trí thức hay cán bộ khoa học nói chung còn mang tính hình thức, nặng về bằng cấp, học vị mà ít quan tâm đến năng lực thực sự. Thực tế, không phải tất cả các GS, TS đều là nhân tài, ngược lại, nhiều nhân tài chẳng có học vị hay chức danh khoa học nào.

Ít “thảm đỏ” giữ được người tài
GS Dương Phú Hiệp nêu lên thực tế có những thần đồng được ca ngợi một thời nhưng rốt cuộc cũng bị thui chột vì không được đào tạo bài bản. Có người đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế nhưng về sau phải chấp nhận làm một nghề không đúng với sở trường của mình. Hiện tượng “chảy máu chất xám” xảy ra ở không ít nơi, từ tháng 3-2003 đến cuối năm 2007 đã có 6.422 cán bộ công chức xin thôi việc.
Đây là tiếng chuông báo động đối với việc sử dụng cán bộ nói chung và nhân tài nói riêng. Nhiều người tài không được trọng dụng, 80% thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH tại Hà Nội tự kiếm việc làm sau khi được tuyên dương. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hồ Đức Việt, một số chủ trương về nhân tài của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua còn thiếu sự chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tập trung và có tính hệ thống. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài còn thiếu đồng bộ và còn nhiều thiếu sót... Thực tế, nhiều nơi đua nhau “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài, song rất ít thảm đỏ giữ được người tài.

Cần bao dung

Muốn thu hút được nhân tài, theo GS Nguyễn Văn Khánh, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống chính sách, kế hoạch và giải pháp mạnh về bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút đội ngũ nhân tài là du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều. Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho nhân tài. Mức lương dành cho một GS Hoa kiều về Trung Quốc giảng dạy ngang bằng, thậm chí cao hơn lương của một GS làm việc tại các trường ĐH tại Mỹ.

Một đặc điểm nữa, theo GS Khánh, người có tài thường có sáng kiến nên họ hay phê phán cái cũ, đề xuất cái mới, thẳng thắn, không tế nhị nên ít được lòng lãnh đạo. Với tuổi trẻ mà sống vo tròn, thu mình để lấy lòng cấp trên, không dám tỏ rõ bản lĩnh thì thật đáng tiếc, nhưng nếu ai đó sớm tỏ rõ tài năng, bản lĩnh thì bị xem là “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”. GS Khánh nhận định: “Dân ta nói có tài có tật có phần đúng, nhưng nếu chỉ nhìn vào tật đó mà quên đi hay thành kiến với tật của họ thì khó nhận thấy nhân tài và khó có cái nhìn bao dung, khách quan đối với nhân tài, hệ quả là khó có cách bồi dưỡng nhân tài và rất khó để sử dụng nhân tài. Vì vậy, cần phải bao dung cái tật để không bỏ sót nhân tài”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang