http://vietminhtam.blogspot.com

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Dốt như cục bột

Dốt như cục bột
Posted on 21/11/2011

Mai Xuân Dũng - Trong lần tái bản miệng mới nhất của cuốn Sát thủ đầu mưng mủ có thêm một câu: DỐT NHƯ CỤC BỘT. Hình minh họa vẽ một nhân vật dung mạo béo tốt, đang chém gió ở hội trường Quốc hội Vina, sau lưng là chợ Bến thành, nhìn qua biết ngay là bác Hoàng Hữu Phước đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Mấy hôm rồi Quốc hội tranh luận nảy lửa về chuyện có xây dựng Luật Biểu tình hay không. Phái Không tại nghị trường, đặc biệt là bác Hoàng Hữu Phước băm bổ nổ một phát đại bác: kịch liệt phản đối xây dựng Luật Biểu tình. Để bảo vệ quan điểm, bác còn viện dẫn “thời điểm hiện tại, dân trí Việt nam chưa cao, kinh tế chưa phát triển nên khó quản lý”. Đánh giá tình hình dân trí như thế không rõ có chính xác không nhưng việc người dân hoang mang về quan trí như các bác Phước, bác Hồng… là có thật.

Phản ứng tại nghị trường ai cũng đã rõ nhưng tham khảo thêm dư luận xã hội, thấy phái Có đáp trả bằng vài triệu phát súng kíp trên Facebook. Kích chuột vào Gúc gồ một nhát chỉ sau 0,08 giây tòi ra tới hơn một triệu hai trăm nghìn kết quả cho Hoàng Hữu Phước mà chủ yếu là những nhận xét rất vui vẻ kiểu như: Phước cướp cơm danh hài, đầu đất đòi ăn bít tất, Phước Mít đặc thích Biết tuốt rồi là bác 3Dũng quân đỏ, bác Phước quân xanh vv…

Bỗng đâu được nổi tiếng như thế không rõ bác Phước có phút nào ngất trên cây quất không thì không ai biết chỉ có điều các hãng điện thoại di động lãi to. Doanh thu SMS tăng vọt. Nghe đâu do không chịu nổi áp lực từ các tin nhắn, các cuộc gọi hết ngày dài đến đêm thâu, bác Phước đành bỏ con SIM đẹp để được yên thân.

Cũng giống như bác Trần Tiến Cảnh, đại biểu quốc hội khóa 12 tỉnh Hà nam nổi tiếng với phát…loạn ngôn: “Những nước có chỉ số IQ cao thì có đường sắt cao tốc” chắc bác Phước cũng sẽ được lưu (ô) danh muôn thuở.

Tuy nhiên ở đời mất cái lọ thì được cái chai, hãng tin VH mới đây cho biết bác Phước rất tự hào khi hai nhân vật “cộm cán ăn no chán” là bà Nguyễn Thị Doan và bác Nguyễn Minh Hồng lẽ ra chìm rồi nay nhờ ăn theo bác Phước bỗng dưng đội bèo nổi…phềnh theo cùng với cả một huyền tích Táo quân. Bộ ba này bên nhau khác gì ba cái đầu rau kê nồi chế độ.

Mới hôm qua nghe một bác cựu, huân huy đầy ngực yêu chế độ kính bác Hồ khi lạm bàn về chuyện nghị trường đã lớn tiếng chê trách cử tri thành phố Hồ Chí Minh là thiếu tinh thần trách nhiệm khi cầm lá phiếu, bầu quấy quá đại diện của mình vào Quốc hội như bác Phước. Thật là oan cho các cử tri thành phố mang tên Bác, với cơ chế bầu ít bán nhiều, với phương châm dân bầu, đảng chọn như bao năm nay thì những chuyện khôi hài đã thấy ở nghị trường là chuyện không tránh khỏi.

Khi tấm màn nhung sân khấu Quốc hội khép lại, mọi chuyện cũng sẽ qua đi chỉ có điều day dứt cho những người dân là khi đảng quyết định chọn những ông nghị nếu không gật thì cũng diễn hài như bác Hoàng Hữu Phước thì không hiểu tương lai đất nước này rồi sẽ nghèo mãi đến bao giờ?

Còn về phía đảng ta, nếu cứ chọn những vị như bà Doan, bác Hồng bác Phước làm ba cái đầu rau kê nồi chế độ dốt như cục bột thế này tránh sao cho khỏi cảnh bột nát nồi tan.
DÂN PHÒNG ĐỘT NHẬP, QUẤY RỐI NHÀ THỜ THÁI HÀ

Vào lúc 16giờ 20 ngày 20/11/2011, tại Nhà Thờ giáo xứ Thái Hà trong lúc thánh lễ thiếu nhi đang diễn ra trang nghiêm sốt sắng, bất ngờ có ông dân phòng phường Quang Trung mặc quân phục, đeo bảng tên hẳn hoi, tay cầm điếu thuốc lá xông thẳng vào trong Nhà Thờ, hùng hổ tiến lên tới bậc tam cấp gian cung thánh của Nhà Thờ, và nếu không có các anh huynh trưởng Đoàn thiếu nhi Thánh Thể chạy đến ngăn cản, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi ông dân phòng này tiến lên bàn thờ nơi cha Martin Vũ Đồng Tùng và cha Giuse Đinh Tiến Đức đang dâng thánh lễ. Ông dân phòng này khi được các anh huynh trưởng mời ra ngoài thì tức tối, vùng vằng, miệng cứ la lối xin gặp cha chính xứ Thái Hà.







Nhà Thờ là nơi tôn nghiêm, nơi thánh thiêng, được mọi người tôn trọng, vậy mà ông dân phòng xông vào quấy rối làm cho nhiều em thiếu nhi đang tham dự thánh lễ phải hốt hoảng, sợ hãi và làm cho đông đảo anh chị em giáo dân đang hiện diện cảm thấy bức xúc. Đây là hành vi báng bổ đạo Công giáo, xúc phạm nặng nề đến nơi tôn nghiêm, phá rối trật tự trong khi dân phòng được lập ra để duy trì trật tự an ninh.

Theo luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự : “Đa số lực lượng trật tự phường hay người dân vẫn gọi nôm na là dân phòng, là do UBND phường tuyển chọn và tạm giao cho công an phường quản lý… Họ là lực lượng trật tự, tự quản phường trong việc duy trì trật tự an ninh, an toàn xã hội, bởi họ chính là cánh tay nối dài cho công an” ( Nguồn báo KH & ĐS, số 139, 18/11/2008, trang 6).

LỜI TẠ LỖI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Kính thưa đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa,
Kính thưa đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc,
Kính thưa chú Nguyễn Xuân Diện,
Kính thưa toàn thể bạn đọc theo dõi blog Nguyễn Xuân Diện,

Trong bức Thư Ngỏ gửi đại biểu Dương Trung Quốc và toàn thể đại biểu Quốc hội khóa XIII vừa qua mà cháu đã gửi nhờ chú Nguyễn Xuân Diện trao tận tay đại biểu Dương Trung Quốc đã có 1 sự nhầm lẫn.

Đó là căn cứ theo thông tin ban đầu từ báo Vneconnomy http://vneconomy.vn/20111117025218325P0C9920/tranh-luan-gay-gat-du-an-luat-bieu-tinh.htm cháu đã nhầm tên vị đại biểu quốc hội đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Theo tin từ báo này thì đại biểu đó là đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nhưng thông tin sau đó từ báo Tuổi Trẻ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/465571/Chua-can-Luat-bieu-tinh-vi-dan-tri-thap.html, báo SGGP http://www.sggp.org.vn/phapluat/2011/11/273672/ và từ bạn bè thì đó là không chính xác. Sau khi kiểm chứng, cháu xin chính thức thừa nhận sai sót, xin đính chính và vô cùng xin lỗi đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chú Nguyễn Xuân Diện, đại biểu Dương Trung Quốc và toàn thể bạn đọc đã đọc bản lưu trữ của bức thư ngỏ trên tại blog Nguyễn Xuân Diện.

Thông tin đính chính như sau: Người đã đồng tình và ủng hộ ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước là đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa chứ không phải là đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đối với riêng đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cháu xin dập đầu tạ lỗi vì đã nhầm lẫn dẫn đến việc vô tình xúc phạm danh dự của bác. Cháu mong nhận được sự tha thứ và không chấp của bác. Cháu thành thật xin lỗi và xin chân thành cảm ơn.

Cháu xin nhờ chú Nguyễn Xuân Diện, nếu chưa trao thư ngỏ cho đại biểu Dương Trung Quốc, thì xin đính chính lại giúp cháu, cụ thể là sửa cụm từ Trương Trọng Nghĩa lại thành Đặng Ngọc Nghĩa, đồng thời gửi kèm cháu bản thư tạ lỗi này đến trực tiếp tận tay đại biểu Trương Trong Nghĩa (hoặc có thể nhờ bác Dương Trung Quốc chuyển giúp nếu bác ấy đồng ý) và đăng lên blog Nguyễn Xuân Diện để tất cả bạn đọc được tường.

Một lần nữa cháu chân thành xin lỗi đại biểu Trương Trọng Nghĩa vì đã làm bạn đọc hiểu lầm dẫn đến xúc phạm bác. Cháu xin lỗi chú Nguyễn Xuân Diện vì đã sai sót khiến chú bị liên đới trách nhiệm. Và cháu xin lỗi toàn thể bạn đọc blog Nguyễn Xuân Diện vì đã chuyển đến mọi người 1 thông tin sai lệch.

Cháu xin chân thành cảm ơn.
Cháu
Một Người Việt Nam

Đến lúc phải quan tâm đến Thái Hà

Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà đã dấy lên từ đầu năm 2008. Lần đầu tiên người dân Hà Nội và người dân trong nước bất ngờ khi thấy báo chí, truyền hình của chính quyền ồ ạt tung ra những bài báo, những thước phim lên án gay gắt giáo xứ Thái Hà. Bằng những lời quy kết nặng nề, những người yếu tim nghe phải sởn gai ốc khi nghe những cụm từ mà báo, đài chính quyền nói, nào là “chống đối chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại lợi ích nhân dân, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng việc đòi đất…”; nào là “cần nghiêm trị, phải loại bỏ, xử lý nghiêm minh, thích đáng, đưa ra trước pháp luật”. Vài người dân là cán bộ hưu trí, đảng viên lên báo, đài kêu gọi nhà nước cần phải dùng vũ lực, sức mạnh xử lý thẳng tay giáo xứ Thái Hà để làm gương….


Người dân Việt Nam thường ngợp trước những lời ghê gớm của báo chí nhà nước. Với một thói quen tâm lý kỳ lạ là cứ thấy cái gì lạ, khác biệt mà bị báo chí lên án là hùa theo. Mà trong những hướng tâm lý bị cuốn theo, bản năng con người thường chọn hướng cuốn theo an toàn nhất. Và ở đây là cuốn theo hướng của kẻ mạnh có tên gọi “chính quyền”.

Đôi khi vì e dè, ngần ngại người dân chọn biện pháp an toàn là im lặng, hoặc à ừ tỏ vẻ đồng ý với những ý kiến của chính quyền. Điều này vô tình khiến cho nhiều người khác cùng ngộ nhận theo hướng bị định sẵn. Người Việt Nam hiện nay ít khi dành thời gian và suy nghĩ tìm hiểu bản chất sự việc là thế nào, để có đánh giá của riêng mình, nhất là trong những sự việc của người khác, không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình.

Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà xảy ra trong một hoàn cảnh như vậy, tâm lý người tiếp nhận thông tin từ báo đài cũng như vậy. Không riêng gì những người dân ngoại đạo, mà cả những người dân theo đạo, thậm chí là cả hàng ngũ chức sắc trong Giáo hội cũng bị cuốn theo với tâm lý như vậy. Những tâm lý thế này vô tình đã tiếp sức cho chính quyền, khiến chính quyền càng ỷ vào việc tăng cường truyền thông thiên vị, đưa lệch vấn đề để phục vụ mưu toan, che dấu mục đích chính của mình trong sự việc xảy ra.

Khái niệm mà ta thường nghe thấy như “lợi dụng tự do, tôn giáo để chống đối chính quyền, lợi dụng việc đòi đất để chống phá chính quyền” thường khi nghe câu này chúng ta thấy sự nhấn mạnh ở phần sau. Tiếp thu thông tin này người tiếp nhận thường bị ảnh hưởng bởi câu “chống đối, chống phá”. Trong những việc khác nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn thì có lẽ chính quyền đã đạt được mục đích, thành công trong việc gieo rắc trong đầu người dân những thành kiến của mình. Nhưng, chính bởi sự kéo dài nhiều năm từ 2008 đến năm 2011 này đã mấy năm, chính quyền vẫn ra rả những luận điệu cũ mèm ấy, khiến người tiếp nhận thông tin sinh ra nhàm chán bỗng nảy sinh tò mò để nhìn lại, suy ngẫm sự việc, không còn bị cuốn theo những gì chính quyền nói bấy lâu. Nhiều người đã bất giác tự đặt câu hỏi: “Thế nào là tự do tôn giáo, có điều này không để lợi dụng. Thế nào là đòi đất, đất ở đâu, thế nào mà có chuyện đòi?” Những câu hỏi đặt ra và trên đường đi tìm câu trả lời đó, là một quá trình tìm đến sự thật của vấn đề.

Tôi là một người dân, từng vì lười nhác mà lệ thuộc vào nguồn tin có sẵn của chính quyền trên đài, báo, truyền hình. Cho đến mới đây thấy báo đài nhà nước gợi lại chuyện Thái Hà với một thái độ rất thù hận, khiến tôi tò mò đi tìm hiểu thêm những thông tin khác ngoài thông tin mà báo đài nhà nước cung cấp. Tìm trên kho tàng đồ sộ thông tin trên Internet, mới thấy sự thật không phải như những gì mà chính quyền nói. Đó cũng là lý do giải thích tại sao chính quyền nói nhiều, nói dai, nói mãi thế mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Vấn đề không giải quyết được càng không phải chính quyền có lương tâm, muốn có thời gian hòa giải, thuyết phục như họ nói, mà ngược lại, không giải quyết được vì chính quyền không có được chính nghĩa, không có lương tâm công bằng để giải quyết lý tình. Cố ỷ vào sức mạnh của bạo quyền có yểm trợ của truyền thông để thi hành những thù hận nhỏ nhen trong bản chất của mình.

Một câu nói bị cắt xén của TGM Ngô Quang Kiệt, một hình ảnh bị gán ghép của Linh Mục Nguyễn Văn Khải, một hành động cho côn đồ tấn công nhà thờ hết đêm rồi lại đến ngày. Những hành động không thể chấp nhận được của kẻ côn đồ, chứ đừng nói đến nó là hành động của một chính quyền cho mình là đúng đắn. Phải chăng càng có tổ chức lớn hơn, quy mô hơn thì sự xảo trá, đê tiện càng ghê gớm, quỷ quyệt hơn. Nếu có chính nghĩa thì tại sao nhà nước này phải cắt lời người ta, tại sao công an đưa loa cho người ta bảo gọi giúp thì báo chí lại bảo là tự dùng loa kích động…?

Bỗng nhiên, khi biết được những hành vi đê hèn ấy của chính quyền, tôi không còn muốn nghe gì họ nói nữa. Vì tôi biết rằng đơn giản một điều, người có chân lý, có lương tâm thì không bao giờ làm vậy. Chỉ có những kẻ bất nhân mới chơi trò tiểu xảo, man trá trắng trợn. Mà những kẻ đã bất nhân thì càng nghe chúng nói càng thêm bực bội.

Chúng ta thường nói, nghe gì cũng phải nghe hai tai, nghe hai bên. Nếu các bạn một lần nào đó thử đặt câu hỏi vì sao báo đài nhà nước phải ra rả bao năm như vậy về câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà, thì bạn hãy lên mạng tìm hiểu, vượt qua tường lửa, tìm kiếm những thông tin bạn sẽ thấy nhiều điều không phải như bạn từng nghe, từng thấy ở trên đài báo nhà nước.

Trách nhiệm của con người có nhiều với vấn đề xã hội, ví dụ trước những bất công có thể bạn không có đủ sức, trí, tài để đấu tranh với nó. Nhưng, nếu bạn cũng không tìm hiểu sự thật bằng một cách an toàn như ngồi nhà xem tin tức mọi chiều, thì quả thật bạn đã vô tình giúp cho những bất công, những điều dối trá có cơ hội để phát triển.

Và, biết đâu ngày nào đó, bạn là nạn nhân của sự dối trá, của sự bất công mà không ai hiểu cho bạn.

14/11/2011

Nam Đồng

Nguồn: Nữ Vương Công Lý

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Tranh luận nảy lửa về Luật biểu tình

Tranh luận nảy lửa về Luật biểu tình

VNN - Đại biểu tự ứng cử ở TP. HCM Hoàng Hữu Phước cho rằng nếu lấy ý kiến, đa số dân sẽ không đồng ý ban hành Luật biểu tình, song theo ông Dương Trung Quốc, phát biểu như vậy là xúc phạm đến dân.

Thảo luận hội trường sáng nay (17/11) về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu đã tranh thủ diễn đàn để bày tỏ quan điểm về việc cần hay không Luật biểu tình.

“Đa số công dân sẽ không ủng hộ”

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) gây chú ý với câu mở đầu bài phát biểu: “Đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”.

Lý do đầu tiên ông Phước nêu là ở Việt Nam đã có Mặt trận Tổ quốc. “Nếu Luật lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận, vậy Luật lập hội có cần không?”, ông Phước dõng dạc hỏi.

Luật biểu tình, theo ông lại càng không cần. Và ông tỉ mỉ dẫn lại các cứ liệu lịch sử.




ĐB Hoàng Hữu Phước

Theo đó, từ khi có cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức, mãi cho đến những năm 1960, từ ngữ “biểu tình” mới xuất hiện ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bắt đầu từ việc chống lại chính phủ Kennedy đẩy mạnh cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ“, ông Phước nói.

Ông Phước dẫn chứng thêm, trong tiếng Anh biểu tình, tức là demonstration luôn để chống Chính phủ. Còn tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ nước mình hay ủng hộ một chủ trương của chính phủ nước mình, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với chính phủ nước khác thì đó là đức tin hoặc cuộc tuần hành biểu dương lực lượng.

Từ lập luận trên, ông Phước đúc kết lại, “Việt Nam có cần một cuộc biểu tình chống chính phủ, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không. Nếu không cần, tại sao lại đưa dự án Luật biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do, dân chủ”.

Theo ông, điều mà nước ta đang cần có thể là những quy định về đức tin, về tuần hành đông người. “Nhưng liệu Quốc hội có nên dành ra 2 năm và bao nhiêu tiền của của nhân dân để soạn ra dự án Luật đức tin hay Luật tuần hành hay không?”, ông Phước lên tiếng.

Sau hàng loạt lập luận trên, vị đại biểu của TP.HCM dẫn chứng về hậu quả của một số cuộc biểu tình vừa diễn ra vừa qua. Mà điển hình là các cuộc biểu tình đó gây ra nạn tắc đường.

Khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người ở thành phố nhằm chống đường lưỡi bò, ông đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng đe dọa những người đang tập hợp biểu tình ấy.

“Sự giận dữ này có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa vài nhóm người biểu tình và chống biểu tình. Chưa kể những cuộc tập hợp đông người ngoài trời ấy có xâm hại quyền tự do đi lại của người dân tại khu vực bị phong tỏa do biểu tình”, ông Phước nói.

Ông kết luận, cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân.

Ông Phước khẳng định, nếu được lấy ý kiến, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.

Phản ứng với quan điểm cho rằng ở nước ngoài vẫn tổ chức biểu tình thì Việt Nam cũng sẽ làm được, ông Phước lần lượt nêu dẫn chứng các cuộc biểu tình xảy ra ở Anh, ở Mỹ vừa qua và kết luận, hầu hết đều biến thành bạo loạn và làm ô danh đất nước.

“Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”, ông Phước chốt lại bài phát biểu đanh thép của mình.

Rất nhiều ĐBQH cũng tán thành ý kiến ông Phước. Chẳng hạn, theo đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), phải hiểu sâu xa những vụ việc biểu tình phản đối đường lưỡi bò như vừa qua có thể xuất phát từ động cơ tốt nhưng nên hiểu rõ đằng sau đó là gì?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Huế) nói, cho phép tổ chức biểu tình sẽ dễ khiến nhiều lực lượng lợi dụng, thậm chí sự chỉ đạo của nước ngoài. Nếu xảy ra vấn đề nhạy cảm, tranh chấp, chính quyền nên tăng cường đối thoại với dân. “Chứ theo tôi nghĩ có Luật biểu tình vô hình trung có thể thành chống chế độ, nếu chúng ta mít tinh như ý kiến của anh Phước tôi đồng tình, mít tinh là biểu thị sự đồng tình”.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho rằng, ra luật vào lúc này là rất nhạy cảm và nói đến biểu tình là nói đến phản đối, chống đối là chính. “Tự do, dân chủ không phải là biểu tình, không phải cứ cho biểu tình là mới có tự do, dân chủ mà cái chính là chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đó mới là cái cơ bản”, ông Tùng nói.

“Phát biểu như thế là xúc phạm đến dân”

Là người duy nhất ủng hộ dự án luật trong sáng nay, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã đứng lên trao đổi: “Diễn đàn Quốc hội là nơi để các đại biểu với tinh thần trách nhiệm và nhận thức của mình để phát biểu ý kiến nhằm trao đổi, nhằm thuyết phục hướng tới sự đồng thuận trong những quyết định chung”.
.



ĐB Dương Trung Quốc

Theo ông, ở Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, trường hợp đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận là hết sức nguy hiểm.

Ông Quốc dẫn lại nhiều cứ liệu lịch sử chứng minh nội hàm của “quyền biểu tình” đã được xác lập từ trong lịch sử và cũng nhiều lần được Hồ Chí Minh nhắc đến.

“Chúng ta tự hào trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cuộc biểu tình ngày 1/5/1938, hạt nhân lãnh đạo là những người cộng sản tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi tự do, cơm áo hòa bình và ủng hộ Chính phủ Mặt trận nhân dân. Như thế biểu tình có từ nguồn gốc xa xưa, nhận thức nó như thế nào ở góc độ của một nhà nước, của người cầm quyền”, ông Quốc nói.

Theo ông, ngay trong bản Sắc lệnh 31 ban hành 11 ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập đã viết rằng “công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Hiến pháp năm 1946 không có chữ “biểu tình”. Nhưng trong Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành trước đó đã giải thích: “Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao”.

Ông Quốc khẳng định, phải nhìn biểu tình cả hai cách, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để mà thực thi quyền hành pháp. Nhìn một mặt thì chỉ thấy sự hỗn loạn.

Hiến pháp năm 1959 khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã đề cập đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình và thuật ngữ “biểu tình” đã trở thành một chính văn của luật cơ bản.

Theo ông Quốc, những cuộc biểu tình phát huy cả hai mặt. “Đứng từ lợi ích chính trị của một thể chế, chúng ta thấy cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn của phong trào, đặc biệt ở đô thị đã tác động tích cực vào quá trình của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta thấy những cuộc biểu tình ở miền Bắc là ủng hộ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Quốc phân tích.

Bằng chứng rõ ràng nhất là những năm 1980, khi các hiện tượng diễn ra ở nông thôn Thái Bình, theo cách nhìn của đại biểu Phước là bạo loạn, phải dẹp bỏ thì các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu để thấy hai mặt của vấn đề rồi từ đó kịp thời điều chỉnh.

Ông Quốc giải thích, việc bày tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình là nói đúng tên của nó.

“Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các đại biểu Quốc hội cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn Quốc hội chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội. Nhưng người ta rất mong muốn rằng những tình cảm, cách thể hiện đó đúng lúc, đúng chỗ, nói cách khác là có luật”, ông Quốc nói.

Theo ông, Luật biểu tình là một công cụ để điều chỉnh, bảo đảm những yếu tố tích cực và quyền của người dân.

“Không phải tự nhiên mà Thủ tướng cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình. Tôi nghĩ Quốc hội hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt. Đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, phải có lộ trình thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường”, ông Quốc kết luận.

Lê Nhung – Ảnh: Bình Minh
——–
Dưới đây là toàn văn lời phát biểu của hai đại biểu
Hoàng Hữu Phước và Dương Trung Quốc


Hoàng Hữu Phước – TP Hồ Chí Minh

Kính thưa Quốc hội.

Tôi kính đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này vì những lý do như sau:

Thứ nhất, về Luật lập hội, ở Việt Nam Mặt trận Tổ quốc được thành lập năm 1977 trên cơ sở thống nhất ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam – Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam.

Hiện nay Mặt trận Tổ quốc có 44 tổ chức thành viên, nếu xếp theo các loại hình tổ chức như đoàn thể chính trị, tôn giáo, từ thiện, xã hội và nghề nghiệp thì có đến 22 hội đoàn trong nhóm nghề nghiệp: từ Hội luật gia, Hội nhà báo đến Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập v.v… Nếu như vẫn còn thiếu các hội nghề nghiệp khác mới xuất hiện do sự phát triển của xã hội thì có thể thành lập mới cùng trong quy mô rộng khắp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nếu Luật lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vậy Luật lập hội có cần không?

Nếu Luật lập hội là để tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vậy Luật lập hội có cần không?

Thứ hai, về Luật biểu tình. Kể từ khi có cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Chính phủ Vương quốc Đại Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan áp bức nhân dân Ấn Độ . Mãi cho đến những năm 60 của thế kỷ trước từ ngữ “biểu tình” mới xuất hiện ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bắt đầu từ việc chống lại Chính phủ Kennedy đã đẩy mạnh cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi phát triển mạnh mẽ thành các cuộc biểu tình chống Chính phủ Mỹ liên tục từ năm 1960 đến 1975, thậm chí tiếp tục ngay cả sau khi Hoa Kỳ thất bại tháo chạy khỏi Việt Nam, biểu tình chống Chính phủ Mỹ đã từ Mỹ lan ra toàn thế giới. Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ nước mình, khi 1 triệu người dân Mỹ đổ về Thủ đô Washington tháng 9 năm 2009 họ chống lại Tổng thống Obama, gọi ông là kẻ có dã tâm, biến Hoa Kỳ thành quốc gia xã hội chủ nghĩa, bày ra kế sách bảo hiểm y tế vì người nghèo, biểu tình chưa là hình thức bày tỏ chính kiến chống lại một nước khác ngay cả khi nước đó đang xâm lược nước mình. Cuộc tập hợp khổng lồ tại quảng trường đỏ là để bao quân đoàn Liên Xô tiến thẳng ra chiến trường chiến đấu chống Đức quốc xã và chống bọn nha gian. Để phản đối sự xâm lược của nước khác tiến hành chống lại nước mình chỉ có gia nhập quân đội, dồn tài sản cá nhân cho Bộ Quốc phòng mới là hành động duy nhất, cần thiết. Điều cần làm rõ ở đây là trong tiếng Anh biểu tình, tức là Demonstration luôn để chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ nước mình, còn tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ nước mình hay ủng hộ một chủ trương của Chính phủ nước mình, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với Chính phủ nước khác thì đó là đức tin hoặc cuộc tuần hành biểu dương lực lượng.

Như vậy, Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không. Nếu không cần tại sao lại đưa dự án Luật biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ. Như vậy, cái Việt Nam cần có thể là những quy định về đức tin, về tuần hành đông người. Nhưng liệu Quốc hội có nên dành ra 2 năm và bao tiền của của nhân dân để soạn ra dự án Luật đức tin hay Luật tuần hành hay không. Khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người gần đây Thành phố Hồ Chí Minh chống đường lưỡi bò tôi đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng nguyền rủa, thóa mạ, văng tục đầy đe dọa những người đang tập hợp mà ta gọi là biểu tình ấy. Sự giận dữ này có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa vài nhóm người biểu tình và chống biểu tình, chưa kể những cuộc tập hợp đông người ngoài trời ấy có xâm hại quyền tự do đi lại của người dân, xâm hại quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân, buôn gánh bán bưng, đoan chính, tự trọng kiếm từng đồng tiền nhỏ chứ quyết tâm không làm hành khất, xâm hại thu nhập chính đáng của những cửa hàng hoạt động kinh doanh hợp pháp tại khu vực bị phong tỏa do biểu tình, xâm hại quyền được chăm sóc của công dân khi đau ốm hay khi chuyển dạ sinh con mà xe cứu thương không để đến được hay xâm hại hạnh phúc của công dân khi xe hoa của họ không thể nhúc nhích được trên đường vì tắc đường.

Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân. Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm. Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.

Có ý nói rằng ở nước ngoài người ta biểu tình đàng hoàng nên ở Việt Nam cũng sẽ làm được. Ở Việt Nam hiện nay đã 100% đội mũ bảo hiểm khi đi bằng xe máy chưa, có chấm dứt chen lấn ở nơi công cộng chưa, có tham gia giao thông đúng luật chưa. Đó là chưa kể ở đất nước có nền văn học hoàng kim, mặt trời không bao giờ lặn trên cương thổ vương quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan, cuộc biểu tình tháng 8 vừa qua tại Luân Đôn và lan ra một số thành phố lớn khác đã biến thành bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà, làm ô danh đất nước. Cuộc biểu tình chiếm phố Wall suốt 2 tháng nay tại NewYork và hơn 20 thành phố lớn ở Mỹ vừa bị cảnh sát ra tay dẹp do tình trạng bẩn thỉu, mất vệ sinh, ẩu đả, trộm cắp và hiếp dâm xảy ra tại các nơi biểu tình làm ô danh nước Mỹ. Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh. Đây là ý kiến của tôi mong được sự ủng hộ của Quốc hội. Xin cảm ơn.

————-
Dương Trung Quốc – Đồng Nai

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhận thức diễn đàn Quốc hội là nơi để các đại biểu với tinh thần trách nhiệm và nhận thức của mình để phát biểu ý kiến nhằm trao đổi, nhằm thuyết phục hướng tới sự đồng thuận trong những quyết định chung của Quốc hội. Vì thế, tôi muốn trao đổi ý kiến của một số đại biểu cho rằng Luật Biểu tình là chưa cần thiết.

Ở Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận hết sức nguy hiểm. Biểu tình đâu chỉ bắt đầu có từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, chúng ta đang được hưởng ngày Quốc tế lao động là thành quả của cuộc đấu tranh của những người lao động ở Chicago từ những thế kỷ trước. Chúng ta tự hào trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cuộc biểu tình ngày 1/5/1958, hạt nhân lãnh đạo là những người Cộng sản tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi tự do, cơm áo hòa bình và ủng hộ Chính phủ Mặt trận nhân dân. Như thế biểu tình có từ nguồn gốc xa xưa, nhận thức nó như thế nào ở góc độ của một Nhà nước, của người cầm quyền. Tôi thấy cần nhắc lại bản Sắc lệnh 31 ban hành 11 ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích trong bản Sắc lệnh nội hàm của chữ “biểu tình” để chúng ta thấy được phải nhận thức nó từ hai chiều. Văn bản này viết rằng “công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài”, đúng là trong Hiến pháp năm 1946 không có chữ “biểu tình”. Nhưng trong Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành trước đó đã giải thích: “xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao nên ra Sắc lệnh này”, tức là Sắc lệnh về biểu tình.

Như thế ta phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp pháp luật để mà thực thi quyền hành pháp. Nếu không chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi. Chúng ta biết rằng cho đến bản Hiến pháp năm 1959 thì chữ “biểu tình” đã được đưa vào trong chính văn, ở Chương III của Hiến pháp năm 1959 khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 25 khi đề cập đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình thì thuật ngữ “biểu tình” đã trở thành một chính văn của luật cơ bản. Như thế nó không phải vì xa lạ cả, chúng ta thấy tất cả trong thực tiễn lịch sử những cuộc biểu tình ấy có thể phát huy cả hai mặt, đứng từ lợi ích chính trị của một thể chế chúng ta thấy cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn của phong trào, đặc biệt ở đô thị đã tác động tích cực vào quá trình của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta thấy những cuộc biểu tình ở miền Bắc là ủng hộ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Còn chữ “mít tinh” cũng chỉ là biến dạng của ngôn ngữ. Nếu chúng ta nhìn vào hiện tượng ngay gần đây gắn liền với thời kỳ đổi mới khi những hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình nơi từng có truyền thống của tiếng trống Tiền Hải. Nếu quan niệm đơn giản như chúng ta, như đại biểu Phước ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có cách dẹp bỏ nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu thì thấy hai mặt của vấn đề có những yếu tố kích động nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến điều chỉnh một cách thích hợp.

Bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình, ta nói đúng tên của nó. Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các đại biểu Quốc hội cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn Quốc hội chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội. Nhưng người ta rất mong muốn rằng những tình cảm, cách thể hiện đó đúng lúc, đúng chỗ, nói cách khác là có luật. Luật biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, chúng ta bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và chúng ta bảo đảm quyền của người dân, thóa mạ những người biểu tình như thế chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước, đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật. Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình. Tôi nghĩ Quốc hội chúng ta hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay. Xin cảm ơn Quốc hội.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Quái gian, quái càn, quái nghị

Quái gian, quái càn, quái nghị!…
Posted on 16/11/2011

Hà Văn Thịnh - Trăm thứ bộn bề thời vật vã sống, vật vã đau buồn, vật vã với thở dài vẫn chưa là đủ với tất cả những điều quái đản xảy ra chỉ trong một tuần của “nền văn minh” hiện đại nước nhà!


Bắt đầu là chuyện quái kiệt dối gian của ông chúa đảo Tuần Châu khi báo chí loan tin rằng ông đã nhắn đến 110.000 tin nhắn bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan (không biết ban giám khảo có trừ điểm vì sự dối trá?). tác giả Hiệu Minh phanh phui sự thật rằng nếu không có tứ khoái thì thời gian nhắn tin chiếm đến ba tẳm lẻ sáu ngày, còn nếu có nhất khoái trở lên thì ít nhất phải gần 400 ngày. Thời gian đâu để nhắn tin trong vòng vài chục ngày? Gian tham, háo danh, ngông cuồng như thế chẳng trách đâu cái nỗi đau lẹt đẹt của văn hóa – kinh tế cứ phải nhắc nhở mãi hoài.



Chuyện quái làm càn, xằng bậy bất chấp dư luận, lương tâm, điều hay, lẽ phải lại liên quan (có thể chỉ là gián tiếp, có thể ông ta nỏ biết?) đến… ông bộ trưởng bộ VH-TT-DL! Không còn gì để nói khi một đứa trẻ mới 5 tháng tuổi lại đủ cả trình độ ngồi (cho vững), biết (cái Hạ Long), thành thục (hai tay), siêu thông minh (về nắm bắt kiến thức máy tính hiện đại), làm đẹp (trang điểm, PR cho cả nhà) và sau hết là học giỏi (biết cả mặt số, mặt chữ) để làm cái việc mà theo người ta nghĩ, mọi trái tim “yêu nước” phải làm là bầu chọn cho Hạ Long trở thành đệ nhất di sản tự nhiên của thế giới. Chẳng lẽ người ta không nghĩ rằng nếu bạn bè quốc tế biết thì hai từ xấu hổ chỉ mới là món hàng xa xỉ, nhục nhã may ra là món đồ tạm ngó được, tận cùng nỗi ê chề, đau đớn vẫn chưa đủ để thốt thành lời?

Nhưng, có lẽ đỉnh cao của sự coi thường cử tri, coi thường vai trò nghị sĩ, khinh miệt mọi người có chút ít học hành phải thuộc về quái nghị sĩ Nguyễn Minh Hồng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng biết một nghị sĩ nào có thể làm nhăng, nói càn, dốt nát và vô liêm sỉ đến thế! Chẳng lẽ ông nghị Hồng coi Quốc hội là chốn để vui đùa hay sao khi thảo luật chỉ có hai trang rưỡi, trình luật thì nói là chẳng biết cái luật đó để làm gì? Ở bất kỳ nước nào có chút nhỏ nhoi văn hóa trên thế giới này, nghị sĩ mà như thế thì chỉ có mà đi dọn rác. Thật là xót xa, nghẹn ngào để tự nói rằng với nước ta, mọi điều quái gở vẫn cứ ung dung tự tại như thường. Người dân biết tin vào ai khi cái ác, cái gian, cái dốt, cái cuồng ngông cứ nghễu nghện ở trên chóp của quyền lực? Tại sao Quốc hội không có Ủy ban nào can thiệp, chấn chỉnh hành vi coi thường luật pháp, thể chế ấy? Để một người như thế trong cơ quan lập pháp chẳng khác chi khinh miệt chín chục triệu con người.



Đừng nói nhiều về những điều cao xa tỷ như 5 năm nữa giáo viên có thể sống bằng lương, 5 năm nữa lạm phát sẽ giảm, 9 năm nữa lương công chức thoải mái chi tiêu… Người dân chúng tôi chỉ cần các vị làm sao đó cho có kết quả cụ thể, rõ ràng – lời hứa càng ngắn ngày càng tốt; làm sao đó cho nỗi đau về sự giày vò bởi nhục nhã và hổ thẹn ít đi. Và, quan trọng nhất, làm sao để lãnh đạo phải là những người được nhân dân kính phục, tin tưởng chứ không phải là khinh thường, chán gớm cái sự đời…

Huế, 15.11.2011.

Hà Văn Thịnh

VỤ ĐÁNH CHẾT ÔNG TRỊNH XUÂN TÙNG: CẦN XỬ ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG TỘI

VỤ ĐÁNH CHẾT ÔNG TRỊNH XUÂN TÙNG: CẦN XỬ ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG TỘI


Vụ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng:
Cần xử đúng người, đúng tội
Nguyễn Tường Thụy
Yêu cầu xử đúng người, đúng tội luôn được đặt ra đối với các cơ quan tư pháp. Nhưng việc xử có nghiêm minh theo đúng luật pháp hay không lại tùy thuộc vào việc quan tòa có thiên vị hay không, có bị sự chỉ đạo từ một thế lực nào đó hay không lại là chuyện khác...
*


Theo thông tin cách đây 2 tuần, ngày 17-11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử vụ nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, công tác tại Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, ở 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin gần đây, phiên tòa có thể lùi lại.

Ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh vào lúc 10 giờ ngày 28/2/2011 sau đó tử vong vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 8/3/2011 tại bệnh viện Việt Đức.

Trong thời gian qua, cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng và gia đình đã nỗ lực vận động để đòi lại công lý cho người đã chết.

Đây là một trong những vụ án gây phẫn nộ trong dư luận. Sự phẫn nộ không chỉ là ở chỗ trong những năm gần đây đã có rất nhiều vụ người dân chết khi rơi vào tay công an mà còn do tính chất độc ác của nó.

1. Tóm lược vụ việc:

Vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết đã được thông tin rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Ít có vụ án nào được sự quan tâm của công luận đến như thế.

Theo anh Phạm Quang Hùng thì sáng 28/2/2011, ông Tùng thuê anh chở đến bến xe Giáp Bát. Khoảng hơn 10 giờ, khi xe máy tới cổng sau bến xe Giáp Bát, ông Tùng tháo mũ bảo hiểm móc điện thoại ra gọi xem bạn mình đã đến chưa.

Lúc xe sắp đi vào bến thì trung tá công an Nguyễn Văn Ninh chạy ra chặn đầu xe. Một tốp 2,3 tự quản viên giữ xe, giật chìa khóa. Sau đó, họ lôi hai người vào bến để lập biên bản xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm. Khi anh Hùng yêu cầu công an Ninh giải thích rõ tại sao anh lại bị lỗi không đội mũ bảo hiểm thì bị công an này tóm cổ áo. Thấy vậy, ông Tùng đã gạt tay Ninh ra khỏi cổ anh Hùng, nói: “Anh là Công an, anh không thể xử sự như vậy được”. Trung tá Ninh quay sang xô đẩy dùng dùi cui đánh ông Tùng. Liền sau đó, một số dân phòng lao vào giúp sức đè ông Tùng xuống đất. Anh Hùng bị một người giữ chặt không cho can ngăn, đến lúc buông ra thì anh đã thấy anh Tùng nằm gục dưới đất và bị mấy người đè lên để bập khóa số tám.

Ông Bạch Chí Cường, người mà ông Tùng hẹn cùng vào Miền Nam cho biết: Tôi thấy một số người cùng nhảy vào đấm đá ông Tùng. Sau đó họ khóa tay ông Tùng vào gốc cây rồi gọi điện cho xe thùng chở về trụ sở Công an phường”

Gia đình ông Tùng được báo tin công an đánh ông Tùng không lết nổi, họ đã khiêng ông về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt rồi.

Ông Minh, bạn thân của ông Tùng cho biết, ông bị trực ban ngăn cản không cho đưa ông Tùng đi bệnh viện. Người trực ban nói: “Kể cả anh có gọi xe cấp cứu đến, chúng tôi cũng không cho đưa người đi”.

Theo lời kể của cô Trịnh Kim Tiến thì trực ban hôm đó trả lời hết sức vô trách nhiệm rằng hiện tại phường đi họp không có ai giải quyết. Khi nào phường có người, gia đình muốn cho đi cấp cứu thì chúng tôi sẽ cho đi, dù lúc đó trong phường có rất nhiều người. Họ còng ông Tùng trên ghế, luôn mồm nói ông không bị sao và bảo ông Tùng ăn vạ. Cô Tiến van xin đi đưa bố đi cấp cứu họ không cho, xin đút phở cho bố, họ cũng không cho. Họ kiểm tra bát phở sau đó bỏ lên bàn.

Mãi tới khoảng 21h30, tức là 12 giờ sau kể từ khi bị đánh, ông Tùng mới được đưa đi bệnh viện bằng xe tải. Ông Tùng bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai. Những công an đưa ông Tùng đến bệnh viện nói với các bác sĩ đây là tội phạm cần phải canh giữ. Theo cô Tiến, chính vì công an nói ông Tùng là tội phạm nên các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai rất thờ ơ trong việc khám và chữa trị cho bố cô.

Ông Tùng được đưa vào bệnh viện trong tình trạng gẫy 2 đốt sống cổ, tủy bị tổn thương. Vì quá đau đớn, ông không đồng ý mổ, đòi dứt các ống ra để ra đi cho thanh thản. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết định mổ cho ông với hy vọng còn nước còn tát.

Ông chết tại bênh viện Việt Đức, sau 8 ngày kể từ khi bị đánh.

2. Bỏ sót tội phạm?

Ban đầu, công an thành phố HN đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “cố ý gây thương tích”, còn gia đình ông Trịnh Xuân Tùng yêu cầu khởi tố về tội danh “giết người”. Cuối cùng thì họ khởi tố Nguyễn Văn Ninh về tội danh “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”

Qua diễn biến của vụ việc, ta thấy không chỉ mình Nguyễn Văn Ninh đánh ông Trịnh Xuân Tùng mà có ít nhất 3 dân phòng tham gia đánh. Sau đó công an phường Thịnh Liệt có những hành động cản trở không cho ông Tùng đi cấp cứu, không cho ăn.

Như vậy, việc khởi tố chỉ mình Nguyễn Văn Ninh là bỏ sót tội phạm.

3. Bỏ sót tội danh?

Nguyễn Văn Ninh bị khởi tố về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Thế nhưng qua sự việc diễn ra sau khi đánh ông Trịnh Xuân Tùng, cho thấy những người tham gia đánh ông Tùng và những người đang thực thi nhiệm vụ ở công an phường Thịnh Liệt đã tỏ ra rất căm thù ông, không hề lo lắng đến việc ông thương tích quá nặng do bị đánh như nhất quyết không cho đưa ông Tùng đi cấp cứu bất chấp lời van xin của gia đình, cho là ông Tùng ăn vạ, không cho ông ăn, còng tay ông đến tận bệnh viện … Trong thời gian từ khi nhập viện đến khi ông Tùng chết, Nguyễn Văn Ninh và nhóm công an, dân phòng đã đánh ông Tùng không một ai đến thăm.

Cần phải đặt ra câu hỏi: “Nếu ông Tùng được đưa đi viện kịp thời, nếu công an không cấm người nhà chăm sóc ông, cho phép ông ăn thì ông Tùng có cơ hội sống không?

Điều 102 Bộ luật hình sự qui định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thế nhưng, Nguyễn Văn Ninh và những kẻ tòng phạm không phải vô ý mà là cố ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của ông Tùng nhưng không cứu giúp.

Như vậy, cơ quan cảnh sát điều tra đã bỏ sót tội danh.

3. Công lý và sự thật được phải được tôn trọng

Do tính chất của diễn biến sự việc mà vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết đã gây nên bức xúc rất lớn trong dư luận. Nếu họ đánh ông gần chết, lo đến trách nhiệm của mình mà biết tội, sốt sắng đưa ông Tùng đi cấp cứu ngay, cùng gia đình chăm lo cho sức khỏe cho ông thì chưa chắc ông đã chết và dư luận không tới mức phẫn nộ như thế.

Sự đòi hỏi của nhân dân trong mỗi vụ trọng án là giết người phải đền mạng. Tuy nhiên, việc xử như thế nào lại phải căn cứ vào pháp luật.

Yêu cầu xử đúng người, đúng tội luôn được đặt ra đối với các cơ quan tư pháp. Nhưng việc xử có nghiêm minh theo đúng luật pháp hay không lại tùy thuộc vào việc quan tòa có thiên vị hay không, có bị sự chỉ đạo từ một thế lực nào đó hay không lại là chuyện khác. Qua nhiều vụ án, tình trạng “quan xử theo lễ, dân xử theo hình” là một thực tế, đã ăn vào tiềm thức của nhân dân. Trong việc đưa tin những vụ án mà tội phạm là công an hay quan chức nhà nước, báo chí cũng rất dè chừng, chỉ đưa tin một phần sự thật, hoặc dùng những từ ngữ nhẹ nhàng nhất để làm giảm đi tính chất nghiêm trọng của nó. Dĩ nhiên, điều này làm mất lòng tin của dân đối với những người cầm bút, cầm cán cân công lý và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chế độ.

Hiện nay, trên báo chí đang sôi nổi thảo luận về việc sửa lại truyện cổ tích Tấm Cám với lý do là sự trả thù của Tấm tàn nhẫn quá. Tôi thì thiên về phía nên giữ nguyên truyện cổ tích. Thứ nhất, đã là truyện dân gian thì cứ để nguyên như thế, đừng có thò tay vào sửa. Thứ hai, sự trả thù của Tấm nói lên nguyện vọng của nhân dân: cái ác phải được trừng trị và trừng trị như thế mới làm xứng đáng. Nhân nào quả ấy. Mẹ con Cám chẳng đã truy cùng giết tận, ba lần giết Tấm đó sao?

Trở lại vụ ông Trịnh Xuân Tùng, ông bị đánh hết sức tàn ác với tính chất côn đồ. Ông cũng đã ba lần bị tước đi cơ hội sống: bị đánh gãy cổ, không cho đi cấp cứu kịp thời, không được ăn. Qua đó mới hiểu vì sao nhân dân quá phẫn nộ đối với vụ án này.

Khó có thể nói rằng, Nguyễn Văn Ninh phải chết theo đòi hỏi “giết người đến mạng”. Nguyện vọng của công chúng có thể chính đáng nhưng việc xử phải tuân theo pháp luật, cho dù pháp luật nước ta còn nhiều bất cập (ví dụ, khung hình phạt đối với tội danh làm chết người khi thi hành công vụ nhiều ý kiến cho là còn quá nhẹ, không đủ răn đe).

Vì thế, tôi không thể nói lên nguyện vọng của mình mà phải căn cứ vào pháp luật. Trong vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết, cơ quan cảnh sát điều tra cần khởi tố thêm tội phạm. Còn tội danh, nếu không khởi tố Nguyễn Văn Ninh về tội giết người” theo yêu cầu của gia đình thì cần thêm tội danh “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Tôi mong và chúc Trịnh Kim Tiến tìm được công lý cho cha.

15/11/2001
Nguồn: Blog Tường Thụy

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Thảo luận giữa Mao Trạch Đông và Phạm Văn Đồng 05-10-1964

Thảo luận giữa Mao Trạch Đông và Phạm Văn Đồng
05-10-1964

Mô tả: Mao Trạch Đông tư vấn cho Phạm Văn Đồng về cách xử lý cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam và bảo vệ miền Bắc Việt Nam.

Mao Trạch Đông với Phạm Văn Đồng (1) Hoàng Văn Hoan (2)
Bắc Kinh, 05 tháng 10 năm 1964, từ 7-7:50 (tối?)

Mao Trạch Đông: Theo đồng chí Lê Duẩn (3), đồng chí đã có kế hoạch điều động một sư đoàn [vào Nam]. Có lẽ đồng chí chưa gửi sư đoàn đó đi (4). Thời điểm nào đồng chí nên gửi đi thì rất quan trọng. Liệu Hoa Kỳ sẽ tấn công miền Bắc hay không, họ vẫn chưa đưa ra quyết định. Bây giờ, ngay cả Hoa Kỳ vẫn chưa có quan điểm trong việc giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam. Nếu họ tấn công miền Bắc, [có thể họ cần] chiến đấu trong một trăm năm, và họ sẽ bị mắc kẹt ở đó. Vì vậy, cần phải cân nhắc cẩn thận.

Người Mỹ đã đưa ra các tuyên bố đáng sợ. Họ tuyên bố rằng họ sẽ đuổi theo [các ông], và sẽ đuổi vào đất nước các ông, và họ sẽ tấn công lực lượng không quân của chúng tôi.

Theo tôi, những lời lẽ này có nghĩa là họ không muốn chúng tôi chiến đấu một cuộc chiến lớn, và rằng [họ không muốn] lực lượng không quân của chúng tôi tấn công các tàu chiến của họ. Nếu [chúng ta] không tấn công tàu chiến của họ, họ sẽ không đuổi theo các ông. Có phải đó là những điều họ muốn nói? Mỹ đang che giấu điều gì đó.

Phạm Văn Đồng: Đây cũng là suy nghĩ của chúng tôi. Hoa Kỳ đang đối mặt với nhiều khó khăn, và không phải dễ dàng để họ mở rộng chiến tranh. Vì vậy, điều mà chúng tôi cân nhắc đó là chúng ta nên cố gắng hạn chế cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trong phạm vi chiến tranh đặc biệt và phải cố gắng để đánh bại kẻ thù trong phạm vi chiến tranh đặc biệt. Chúng ta nên cố gắng hết sức không để cho đế quốc Mỹ biến cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam thành chiến tranh giới hạn, và cố gắng hết sức không để cho cuộc chiến mở rộng ra miền Bắc Việt Nam. Chúng ta phải thông qua một chiến lược rất khéo léo và không nên kích động họ (Hoa Kỳ). Bộ Chính trị của chúng tôi đã ra quyết định về vấn đề này, và hôm nay tôi xin báo cáo với Mao Chủ tịch. Chúng tôi tin rằng điều này là hoàn toàn khả thi.

Mao Trạch Đông: Vâng.

Phạm Văn Đồng: Nếu Hoa Kỳ dám bắt đầu một cuộc chiến tranh giới hạn, chúng tôi sẽ đánh lại và sẽ giành chiến thắng.

Mao Trạch Đông: Vâng, các ông có thể giành chiến thắng (5). Chế độ bù nhìn miền Nam Việt Nam có vài trăm ngàn quân. Các ông có thể chiến đấu chống lại họ, các ông có thể loại bỏ một nửa, và các ông có thể loại bỏ tất cả. [Các ông] dư sức thực hiện nhiệm vụ này. Hoa Kỳ không thể gửi nhiều quân đến miền Nam Việt Nam.

Mỹ có tổng cộng 18 sư đoàn. Họ phải giữ một nửa, tức là chín sư đoàn ở nhà và có thể gửi ra nước ngoài chín sư đoàn. Trong các sư đoàn này, một nửa ở châu Âu, và một nửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và họ có nhiều đơn vị đóng quân ở châu Á [hơn những nơi khác trong khu vực], cụ thể là ba sư đoàn. Một ở Nam Hàn, một ở Hawaii, và sư đoàn thứ ba thì ở nơi nào không rõ. Họ cũng chưa có tới một sư đoàn thủy quân lục chiến ở Okinawa, Nhật Bản.

Hiện tất cả lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam thuộc về hải quân và họ là những đơn vị thuộc hệ thống hải quân. Theo hải quân Hoa Kỳ, họ đã đưa thêm tàu vào Tây Thái Bình Dương nhiều hơn ở châu Âu. Ở Địa Trung Hải, có Đệ lục Hạm đội, ở đây (Thái Bình Dương) có Đệ thất Hạm đội. Họ đã triển khai bốn tàu sân bay gần các ông, nhưng họ đã bị các ông xua đuổi.

….

Mao Trạch Đông: Nếu người Mỹ dám chấp nhận rủi ro để đưa chiến tranh vào miền Bắc, cuộc xâm lược này cần được xử lý như thế nào? Tôi đã thảo luận vấn đề này với đồng chí Lê Duẩn. Dĩ nhiên, [trước tiên] cần xây dựng các công trình phòng thủ dọc theo bờ biển. Cách tốt nhất là xây dựng các công trình phòng thủ như những công trình mà [chúng tôi đã xây dựng] trong cuộc chiến Triều Tiên, để các ông có thể ngăn chặn kẻ thù xâm nhập vào bên trong đất liền. Tuy nhiên, thứ hai, nếu Mỹ quyết tâm xâm chiếm đất liền, các ông có thể để cho họ làm chuyện đó. Các ông nên chú ý đến chiến lược của mình. Các ông không nên để lực lượng chính tham gia một cuộc đối đầu với họ, và phải duy trì lực lượng chính của các ông. Ý kiến ​​của tôi là, nếu núi xanh còn đó, các ông lo gì chuyện thiếu củi?

Phạm Văn Đồng: Đồng chí Lê Duẩn đã báo cáo ý kiến ​​của Mao Chủ tịch với Ủy ban Trung ương của chúng tôi. Chúng tôi tiến hành đánh giá tổng thể tình hình ở miền Nam và miền Bắc, và ý kiến ​​của chúng tôi giống như ý kiến của Mao Chủ tịch. Ở miền Nam Việt Nam, chúng tôi nên tích cực đấu tranh chống lại [kẻ thù], và ở Bắc Việt Nam, chúng tôi nên chuẩn bị [cho kẻ thù leo thang chiến tranh]. Nhưng chúng tôi cũng nên thận trọng.

Mao Trạch Đông: Ý kiến ​​của chúng tôi cũng giống như vậy. Một số người khác nói rằng chúng ta đang tham chiến. Thực tế là, chúng ta đang thận trọng. Nhưng có thể nói [rằng chúng ta đang tham chiến].

….

Mao Trạch Đông: Các ông càng đánh bại họ một cách triệt để, họ càng cảm thấy thoải mái hơn. Ví dụ như, các ông đánh bại người Pháp và họ sẵn sàng đàm phán với các ông. Người Algérie đánh bại người Pháp và Pháp sẵn sàng đi đến hòa bình với Algeria. [Thực tế] chứng minh rằng, các ông càng đánh bại họ, thì họ càng cảm thấy thoải mái hơn.

….

Mao Trạch Đông: Có đúng là ông được mời tham dự các cuộc họp ở Hội đồng Bảo an [LHQ]?

Chu Ân Lai: Điều này vẫn còn bí mật. Lời mời đã được U Thant (6) thực hiện.

Mao Trạch Đông: Và U Thant đã mời qua ai?

Chu Ân Lai: Liên Xô.

Mao Trạch Đông: Vậy Liên Xô là trung gian.

Phạm Văn Đồng: Theo Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam, một mặt, họ đã gặp U Thant, và mặt khác họ đã gặp [Ngoại trưởng Mỹ Dean] Rusk.

Mao Trạch Đông: Không hẳn là một điều tệ hại để thương lượng. Ông có đủ khả năng để đàm phán. Một vấn đề khác là liệu việc đàm phán sẽ thành công hay không. Chúng ta cũng có đủ trình độ để thương lượng [với người Mỹ]. Chúng ta đang đàm phán với Mỹ về vấn đề Đài Loan, và các cuộc đàm phán Trung – Mỹ cấp đại sứ hiện đang chuẩn bị ở Warsaw. Các cuộc đàm phán đã kéo dài hơn chín năm.

Chu Ân Lai: Hơn 120 cuộc họp đã được tổ chức.

Mao Trạch Đông: Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục. Một lần, trong một cuộc họp tại Geneva, họ không muốn tiếp tục đàm phán. Họ rút những người đại diện, chỉ để lại một người ở đó phụ trách vấn đề truyền thông và liên lạc. Chúng tôi đã cho họ một đòn bằng cách gửi họ một lá thư, ra thời hạn cho họ gửi đại diện trở lại. Họ đã quay trở lại đàm phán sau đó, nhưng họ đã không trở lại đúng thời hạn chúng tôi đưa ra, họ đã trở lại trễ vài ngày. Họ nói rằng đó là tối hậu thư của chúng ta. Lúc đó, một số người của chúng ta tin rằng, chúng ta không nên ra thời hạn cho họ, cũng không nên đưa ra tuyên bố gay gắt, và rằng làm như vậy đã trở thành tối hậu thư. Nhưng chúng ta đã làm và người Mỹ đã [trở lại đàm phán].

Ghi chú:

1. Phạm Văn Đồng: (1906 – 2000), thành viên lâu năm của Đảng Cộng sản Đông Dương (ICP), làm việc gần gũi với Hồ Chí Minh và là Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) cho đến năm 1980 (từ năm 1976, trở thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

2. Hoàng Văn Hoan: (1905-1991), thành viên lâu năm của ĐCS Đông Dương và là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao Động VN từ năm 1960-1976. Hoan là cầu nối quan trọng giữa Bắc Việt và Trung Quốc, đại sứ Bắc Kinh năm 1950-1957; dẫn đầu nhiều đoàn đại biểu đến Trung Quốc như Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Bắc Việt vào thập niên 1960. Bị mất ảnh hưởng sau cái chết của Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 1969. Năm 1973, một lần nữa Hoan đến Trung Quốc sắp xếp cho chuyến thăm [Trung Quốc] của Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng. Ông ta đã đào thoát sang Trung Quốc hồi tháng 7 năm 1979. Năm 1986, ông ta xuất bản cuốn hồi ký của mình (Giọt nước trong biển cả), đã đưa ra một cái nhìn thoáng qua, hiếm hoi về cuộc sống bên trong của các ủy viên ĐCS Đông Dương/ Đảng Lao Động Việt Nam.

3. Lê Duẩn (1908-1986), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (khu vực phía Nam), sau đó là Trung ương Cục miền Nam thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Gửi thư cho các lãnh đạo đảng phản đối Hiệp định Geneve năm 1954. Từ 1956, quyền Tổng Bí thư Đảng Lao Động Việt Nam. (Hồ Chí Minh chính thức làm Tổng Bí thư). Từ năm 1957-1959, là nhân vật quan trọng đã đưa các cuộc đấu tranh vũ trang trở lại miền Nam. Từ năm 1960 đến khi mất năm 1986, Lê Duẩn là Tổng Bí thư Đảng Lao Động Việt Nam (năm 1976 đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam).

4. Ngay sau sự cố Vịnh Bắc Bộ, Lê Duẩn đến thăm Bắc Kinh và gặp Mao vào ngày 13 tháng 8 năm 1964. Hai lãnh đạo trao đổi các báo cáo tình báo về hai sự kiện. Lê Duẩn xác nhận với Mao rằng, sự cố đầu tiên (ngày 2 tháng 8 ) là kết quả của các quyết định do người chỉ huy Việt Nam thực hiện tại hiện trường và Mao Trạch Đông nói với Lê Duẩn rằng, theo thông tin tình báo Bắc Kinh đã nhận được, sự cố thứ hai vào ngày 4 tháng 8 “không phải là một cuộc tấn công có chủ ý của người Mỹ“, nhưng gây ra do “phán đoán sai lầm của người Mỹ, dựa trên thông tin sai“. Có cảm giác triển vọng về cuộc chiến sẽ được mở rộng vào miền Bắc Việt Nam, Mao nghĩ rằng “có vẻ như người Mỹ không muốn chiến tranh, các ông không muốn chiến tranh, và chúng tôi không nhất thiết muốn chiến tranh“, và rằng “vì không ai muốn có một chiến tranh, chiến tranh sẽ không xảy ra“. Lê Duẩn đã nói với Mao rằng: “Sự hỗ trợ từ Trung Quốc là không thể thiếu, nó thực sự có liên quan đến số phận của quê hương chúng tôi… Những người theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô muốn làm cho chúng ta mặc cả, điều này đã rõ ràng“.

Ghi chú của ban biên tập tiếng Anh: Trong một số chú thích cuối trang, chúng tôi có thêm thông tin bổ sung từ các nguồn tài liệu như các tài liệu của họ.

5. Ngày 22 tháng 1, năm 1965, Chu Ân Lai nói với một phái đoàn quân sự Việt Nam: “Theo như cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chúng ta nên liên tục loại bỏ các lực lượng chính của kẻ thù khi họ ra ngoài để tiến hành các hoạt động càn quét, do đó khả năng chiến đấu của lực lượng kẻ thù sẽ bị suy yếu, trong khi quân đội của chúng ta sẽ được củng cố. Chúng ta nên cố gắng tiêu diệt hầu hết các ấp chiến lược của kẻ thù vào cuối năm nay. Nếu điều này được thực hiện, ngoài sự phá sản chính trị của kẻ thù, có khả năng chiến thắng sẽ đến sớm hơn mong đợi ban đầu của chúng ta“.

6. U Thant (1909-1974): Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 1962-1971.

Ngọc Thu dịch từ: Wilson Center

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

vo cung thuong tiec

CÁO PHÓ

Nguyễn Văn Diệm (1940 - 2011)

Gia đình chúng tôi đau đớn báo tin:

Chồng, Cha, Ông chúng tôi là Ông: NGUYỄN VĂN DIỆM
sinh ngày 20 tháng 2 năm 1940,
Huy chương Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất,

Sau thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù đã được các Bác sĩ Quân y Viện 105 và gia đình hết lòng cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, sức yếu, đã từ trần hồi 11h15 phút, ngày Chủ Nhật, 6 tháng 11 năm 2011 (nhằm ngày 11 tháng 10 năm Tân Mão) hưởng thọ 72 tuổi.

Lễ viếng từ 13h00 ngày Thứ Hai, 07 tháng 11 năm 2011.
Lễ truy điệu: 07h30 ngày Thứ Ba, 8 tháng 11 năm 2011,
An táng cùng ngày tại nghĩa trang thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm
thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội

Kính báo!

Bà quả phụ: Phan Thị Lách
Trưởng nam: Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
và các con cháu.
______________________


Ghi chú: Theo lệ của cơ quan, gia đình chúng tôi có tổ chức xe đón các thân hữu và đồng nghiệp, bạn bè...lên với gia đình chúng tôi. Chư vị nào có thể bớt chút thời giờ vàng ngọc lên với chúng tôi, xin có mặt tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với thời gian và địa điểm như sau:

Thời gian: 13h30 ngày hôm nay, Thứ Hai, 07 tháng 11 năm 2011.
Địa điểm: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông - Quận Đống Đa, Hà Nội.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

KÊU GỌI TOÀN CỘNG ĐỒNG LINH MỤC TU SĨ VÀ GIÁO DÂN THIÊN CHÚA GIÁO DIỄU HÀNH

KÊU GỌI TOÀN CỘNG ĐỒNG LINH MỤC TU SĨ VÀ GIÁO DÂN THIÊN CHÚA GIÁO DIỄU HÀNH VÀO CHỦ NHẬT NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 2011
THỜI GIAN : 8H30 đến 11h30
QUANH THÁNH ĐƯỜNG VÀ KHU VỰC GIÁO DÂN GIÁO XỨ THÁI HÀ.
MỤC ĐÍCH :
+ giúp nhân dân trọng đạo và ngoại đạo trong và ngoài khu vực giáo xứ tôn trọng điều 26 của pháp lệnh số 21/2004PL-UBTVQH (ngày 18 tháng 4 năm 2004 )là không được tự ý xâm phạm và cố ý hủy hoại tài sản của cơ sở tín ngưỡng tôn giáo.
+ chấp hành nghiêm điều 26 pháp lệnh (số 21/2004PL-UBTVQH) của nhà nước đã ban hành
YÊU CẦU :
+ đúng giờ
+ thành đoàn hội, hàng lối , không đi xuống lòng đường gây tắc nghẽn giao thông.
+ mặc quần áo chỉnh tề.có biểu ngữ ( biểu ngữ không được in nội dung ngoài mục đích diễu hành )
+tôn trọng điều 69 hiến pháp
+ không xô đẩy chen lấn và có những lời nói và hành động quá khích. để tránh việc bôi nhọ danh dự của công động giáo dân
NHỮNG MONG MUỐN KHÁC :
+ mong chính quyền ủng hộ và hỗ trợ an ninh cho đoàn diễu hành. để đoàn diêu hành thành công tốt đẹp.
+ mong nhân dân xung quanh ủng hộ giúp đỡ và tôn trọng đoàn diễu hành.

ĐẬP PHÁ CỦA NHÀ THỜ THÌ ĐƯỢC. CỦA NHÀ NƯỚC THÌ …..BỊ BẮT..?!

ĐẬP PHÁ CỦA NHÀ THỜ THÌ ĐƯỢC. CỦA NHÀ NƯỚC THÌ …..BỊ BẮT..?!
Như chúng ta vẫn còn nhớ … vụ việc mà truyền hình và báo chí đưa tin cách đây một thời gian. Giáo dân giáo xứ thái hà bất chấp pháp luật đập phá tường bao phá hủy tài sản của nhà nước,thì những người đã được coi là có hành động trên thì bị bắt vậy giờ đây giáo xứ thái hà lại bị những người dân kia xâm phạm phá hoại thì nhà nước sẽ xử lý ra sao? hay lại đứng ra “bảo kê” cho chúng.?...

.lực lượng công an ở bên ngoài nhà thờ trong khi sụ việc đang xảy ra phía bên trong.
Tôi thiết nghĩ :

Theo điều 26 chương 4 của PHÁP LỆNH SỐ 21/2004PL-UBTVQH ngày 18 tháng 6 năm 2004 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI có các điều khoản về việc người có hành vi xâm phạm đến tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng tôn giáo là vi phạm pháp luật ,
Điều 26 :
TÀI SẢN HỢP PHÁP THUỘC CƠ SỎ TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO HỘ NGHIÊM CẤM XÂM PHẠM TÀI SẢN ĐÓ.
Hay trong điều 4 của PHÁP LỆNH SỐ 21/2004PL-UBTVQH đã quy định
Điều 4
Chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp khác, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng được pháp luật bảo hộ.

Như vậy tôi xin được nhấn mạnh giáo dân và các linh mục giáo xứ Thái Hà có thể tố cáo hành vi xâm phạm, phá hủy tài sản cơ sở tín ngưỡng tôn giáo mà những người dân vừa qua đã xâm phạm và phá hủy tài sản (cụ thể là cánh cổng) của nhà thờ vào ngày 03 tháng 11 năm 2011 vừa qua.
Giáo dân và chánh xứ thái hà có thể yêu cầu khởi tố hình sự với nhưng người đã có hành vi xâm phạm và hủy hoại tài sản của nhà thờ.theo điều 143 bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 chương 14
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm.
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.



Như vậy chúng ta cần phải làm rõ vấn đề của những người trên đã có hành động phá hủy tài sản của cộng đồng vi phạm nghiêm trọng vào quy định của nhà nước ở những điều trên . những người đó có quyền gì mà đập phá tài sản chung của cộng đồng dân tộc nói chung và cộng đông Thiên Chúa giáo nói riêng?và cơ quan chính quyền phải điều tra sự việc này chứ sao lại đăng tin thông báo ,truyền hình nói là do người dân bức xúc với giáo xứ Thái Hà. Phải chăng dân cứ bức xúc với ai thì lại đến nhà người đó nơi đó để đập phá và uy hiếp người khác. Hơn nữa đây là một hiện tượng có tổ chức và rất hung hãn và nguy hiểm khi gây hấn và đòi đánh người đối lập trong khuôn viên nhà thờ vậy chính quyền phải điều tra làm rõ chứ sao lại đứng về bên những kẻ đã hủy hoại tài sản do nhà nước bảo hộ. như vậy còn công bằng hay không ?

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Vụ cưỡng chế nhà dân ở Phường La Khê, Quận Hà Đông - TP Hà Nội

Vụ cưỡng chế nhà dân ở Phường La Khê, Quận Hà Đông - TP Hà Nội
Posted on 04/11/2011
Công dân Lê Hiền Đức xin gửi tới công luận, các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn thế giới về những oan ức, bức xúc của nhân dân Việt Nam bị “cướp đất”.
Thảm trạng của hàng trăm, hàng ngàn người từ Nam chí Bắc đổ về Thủ đô Hà Nội : Sống lang thang vất vả trên các vườn hoa, bãi cỏ, nhà trọ chật chội… để ngày ngày kéo đến phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ, trụ sở tiếp dân của Đảng… để nộp đơn kêu cứu, để chờ đợi được cán bộ Thanh tra ra tiếp.

Những điều đáng nói là: Họ đã ăn chực nằm chờ hàng tháng trời mà vẫn không được tiếp, không được giải quyết gì cả. Hầu như cán bộ Thanh tra chỉ trả lời dân một cách đơn giản là: “Chúng tôi đã chuyển đơn của bà con về địa phương” - cụ thể là Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, Thành phố... Điều đáng nói là: Chính UBND các tỉnh thành lại chính là những người đi cướp đất của dân. Vậy thì ai là người sẽ giải quyết cho dân đây ?

Công dân Lê Hiền Đức đã có mặt ở những nơi mà bà con các tỉnh đến để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đồng thời cũng để động viên, khuyên nhủ bà con “kiên trì” đấu tranh chống tham nhũng. Hiện tại trong tay công dân Lê Hiền Đức có hàng trăm tấm ảnh, băng đĩa ghi âm các vụ “cưỡng chế” rất thương tâm.

Trình độ vi tính của bà già 80 tuổi như tôi không có thể gửi hết những tin tức, ảnh, ghi âm… được. Tôi sẽ nhờ các bạn trẻ giúp gửi đến công luận sau, kể cả những tấm ảnh mà chính quyền xã đã cố tình “đập phá” mồ mã tổ tiên của người dân chỉ với mục đích là cướp đất.

Riêng trong ngày mai, tôi đã nhận lời tiếp bà con nhân dân ở các tỉnh, như: Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Ninh. Nhân dân vô cùng bức xúc vì chính quyền huyện, xã đã thu đất của dân đang cày cấy để bán cho bọn người Trung Quốc. Tin cho biết, những người này đến san ủi ruộng của dân rồi chuẩn bị xây dựng nhà cửa gì đó.

Xin hỏi : Ai ? Cơ quan nào sẽ tiếp dân và giải quyết những đơn khiếu nại của dân đây ?

Tôi - một bà già không chức, không quyền, vì dân mà liên lạc đến cơ quan này, đơn vị kia thì đều bị từ chối không gặp, có khi còn bị né tránh, đùn đẩy…

Nhân dân thì cứ “ăn chực nằm chờ” cả tháng trời để được một câu trả lời nào đó.

Hỏi rằng những người cán bộ đang sống bằng tiền thuế là mồ hôi, nước mắt của dân thì nghĩ gì đây ?

Video clip và ảnh của những nơi bị “cưỡng chế” xin được tiếp tục gửi ở những lần sau.

Dưới đây chỉ là một trong hàng trăm ngàn thư của dân gửi đến tôi.

Ý kiến của công dân chống tham nhũng Lê Hiền Đức gửi cho danlambao


***

Vụ cưỡng chế nhà dân ở Phường La Khê, Quận Hà Đông - TP Hà Nội

Đỗ Thị Ngọc (danlambao) - Truyền thống dân tộc Việt tự ngàn đời xưa ngày tết là ngày xum họp, ngày đoàn viên. Ngày đó dù có đang ở đâu, đi đâu mọi người đều mong muốn được quay trở về nhà về mới mái ấm gia đình với nơi chôn rau cắt rốn, chốn cha sinh mẹ đẻ đã sinh ra ta và nuôi ta lớn khôn từng ngày. Ngày tết khắp nơi trên trái đất này mọi người đều cầu chúc cho nhau được hạnh phúc và bình yên

Nhưng đâu đó trên Việt Nam quê hương tôi còn rất nhiều những cảnh tượng này. Ngày 29 tết năm ấy ngày khắc ghi của sự tàn bạo, cưỡng chế và đàn áp. Ngày này tôi còn nhớ rất rõ và có lẽ nó là dấu ấn không bao giờ phai trong cuộc đời của Tôi. Cái Tết gia đình tôi gặp Thảm họa phá nhà,cướp đất đẩy ra hè đường trong cảnh trời mưa rét cuối năm do sự vô cảm của những con người mang trọng trách gánh vác cuộc sống của nhân dân.

Cưỡng chế trẻ em lên xe để đập phá nhà

Thông báo cưỡng chế đẩy gia đình tôi ra đường có hiệu lực sau 36 tiếng. Một cái thông báo được Chủ tịch ký vào ngày chủ nhật (ngày nghỉ) 27/12/2009.

Vì cuộc sống của con cái và của cả gia đình mình, trong 1 ngày tôi đã 3 lần có đơn cầu xin Chủ tịch phường La Khê, Quận Hà Đông vì gia đình tôi không có chỗ ở .

Nhưng mọi cố gắng của tôi đều nhận được câu trả lời lạnh lùng và không có cái gọi là “tình người” .Làm theo cấp trên còn cấp nào sai cấp ấy chịu trách nhiệm.


Một cái Quyết Định thu hồi đất mập mờ, không có căn cứ pháp luật cụ thể phá nhà đẩy dân ra đường bất chấp tất cả lương tâm con người chỉ để thu cho bằng được 241.9m2 đất của cụ, ông, cha gia đình tôi để lại để làm gì mọi người biết không ? “ Xây một cái chợ làng” mà chủ đầu tư cái chợ ấy là HTX La Khê đứng ra kinh doanh đấu thầu cho thuê địa điểm kinh doanh.

Việc táng tận lương tâm của những con người này không chỉ là đối với người sống mà người chết cũng không yên thân. Để bảo vệ phần mộ dưới đất của cha ông mình bản thân tôi là phụ nữ cũng bị những con người này đánh đập gây thương tích khi không cho họ đem xe ủi vào cuốc phá.

“Trẻ Em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”

Tôi mong sao trên đất nước Việt Nam tôi mọi gia đình không phải chịu cảnh này. Liệu bao giờ Trẻ Em thực sự được là búp trên cành? Khi chúng phải trải qua những thảm cảnh này?

Sau đây tôi xin gửi đến quý vị những hình ảnh minh chứng cụ thể cho những gì gia đình chúng tôi đã trải qua vào ngày 29 tết

Đỗ Thị Ngọc

Nhà thờ Thái Hà: 'Côn đồ' tới tấn công

Nhà thờ Thái Hà: 'Côn đồ' tới tấn công
Cập nhật: 16:57 GMT - thứ năm, 3 tháng 11, 2011
Các trang mạng công giáo cáo buộc chính quyền đứng đằng sau các "côn đồ"

Trang web của Giáo xứ Thái Hà đưa ra cáo buộc rằng 'côn đồ' đã tới tấn công nhà thờ làm hỏng cửa và 'đánh đập' tu sỹ và giáo dân.

BBC chưa liên hệ được với Nhà thờ Thái Hà cũng như chính quyền và chưa có nguồn kiểm chứng độc lập về sự cố xảy ra.

Ảnh trên trang của Bấm Giáo xứ Thái Hà cho thấy cửa bị phá tung và đông người xuất hiện trước cửa nhà thờ nhưng không có các hình ảnh về cảnh tu sỹ hay giáo dân bị "đánh đập".

Blogger Bấm Người Buôn Gió cũng có bài viết ngắn về vụ việc:

"Chiều nay ngày 3/11/2011 một nhóm côn đồ đã dùng búa tạ xông vào đập cửa nhà thờ Thái Hà- Đống Đa, Hà Nội. Những người này la lối om xòm, họ chửi và đánh những người giáo dân và tu sĩ trong nhà thờ với lý do là họ đang bức xúc.

"Đi theo những người bức xúc tự phát này, rất trùng hợp là có đoàn quay phim rất chuyên nghiệp. Và có nhiều xe công an chặn các đầu ngả đường vào nhà thờ Thái Hà.

"Những người bức xúc đập phá, đánh giáo dân tu sỹ này với lý do rất ” chính đáng” là nghe đài báo nhà nước nói giáo xứ Thái Hà ngăn cản dự án tốt đẹp của sở y tế Hà Nội."

Blogger này có lời kết: "Nếu bức xúc 'chính đáng', tức là căn cứ vào đài, báo lên án chuyện gì, quần chúng nhân dân được bức xúc kéo đi tìm đối tượng được nêu để đánh đập. Có lực lượng công an bảo vệ, có đoàn làm phim chuyên nghiệp sẽ ghi lại hình ảnh và cắt cúp sao cho những kẻ tấn công trở thành người bị hại."
Khởi kiện

Trước đó Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, hôm 31/10 đã ra quyết định phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với Linh mục Chính xứ Nhà thờ Thái Hà Nguyễn Văn Phượng.
Linh mục Nguyễn Văn Phượng

Linh mục Nguyễn Văn Phượng đã khởi kiện chính quyền quận Đống Đa

Linh mục Phượng hôm 3/11 đã có đơn khởi kiện quyết định xử phạt lên Tòa án nhân dân Đống Đa.

Vụ xử phạt này liên quan tới việc Nhà thờ Thái Hà treo biển điện tử trên nóc nhà thờ từ cuối tháng trước, điều mà quận Đống Đa nói đã phạm vào việc "tán phát, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân," theo Thông tấn xã Việt Nam.

Biển treo trên Nhà thờ Thái Hà viết: "Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm Bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo Xứ Thái Hà."

Biển điện tử này xuất hiện sau khi Nhà thờ Thái Hà và giáo dân phản đối việc xây dựng trạm nước thải ở Bệnh viện Đống Đa mà không có sự tham vấn với Nhà thờ, tổ chức mà các tu sỹ và giáo dân nói hiện đang là chủ sở hữu khu đất có Bệnh viện Đống Đa.

Chính quyền cáo buộc Linh mục Phượng "kích động" giáo dân trong khi phía Nhà thờ Thái Hà lại cáo buộc chính quyền "kích động" dân chúng và dùng bộ máy công quyền để trấn áp nhà thờ.

Hiện trên Bấm YouTube cũng xuất hiện một phóng sự dài của Đài Truyền hình Hà Nội với những người được phỏng vấn phản đối Nhà thờ Thái Hà vì Nhà thờ không ủng hộ việc xây dựng công trình cải thiện vệ sinh tại Bệnh viện Đống Đa.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

HÀ NỘI: TRUNG TÁ CÔNG AN GÂY CHẾT NGƯỜI SẼ RA TÒA VÀO NGÀY 17.11

HÀ NỘI: TRUNG TÁ CÔNG AN GÂY CHẾT NGƯỜI SẼ RA TÒA VÀO NGÀY 17.11


Lời dẫn của Lê Dũng: Hình ảnh đẹp của Công an Nhân dân bị bôi bẩn từ những cá nhân như thế này, tòa án sẽ xét xử họ theo pháp luật. Tuy nhiên, gia đình, vợ con và dòng tộc của họ có yên ổn khi có một đứa con làm điều thất đức và ác độc như vậy ? Ông Tùng - Quê Thường tín - mất đi để lại một gia đình có Mẹ già yếu, vợ dại con thơ chưa biết làm gì để sống. Ai có thể dửng dưng trước nghịch cảnh này?

Báo Lao Động:
Nguyên trung tá công an gây chết người sắp hầu tòa
Thứ Ba, 1.11.2011 | 14:49 (GMT + 7)

Vụ án một cán bộ công an trong khi thi hành công vụ gây chết người xảy ra tại Hà Nội gây bất bình và xôn xao dư luận xã hội sắp được đưa ra xét xử.

Tin từ TAND TP Hà Nội cho biết, ngày 17.11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, nguyên là cảnh sát trật tự Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 97, khoản 1 – BLHS. Nạn nhân trong vụ án này là ông Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, trú tại phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Lực lượng CA sẵn sàng trấn áp tội pham nhưng cần giữ hình ảnh đẹp trong nhân dân.
Lực lượng CA sẵn sàng trấn áp tội pham nhưng cần giữ hình ảnh đẹp trong nhân dân.

Vụ án xảy ra vào ngày 28.2.2011, khi Tổ công tác Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do trung tá Nguyễn Văn Ninh làm Tổ trưởng, cùng 4 tự quản viên đang làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự giao thông, chống lấn chiếm vỉa hè tại khu vực đường vành đai.

Trong khi làm nhiệm vụ, Tổ công tác này đã phát hiện anh Phạm Quang Hùng (làm nghề lái xe ôm, trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) đang chở ông Trịnh Xuân Tùng ngồi phía sau xe không đội mũ bảo hiểm, đi từ đường Giải Phóng vào đường vành đai.

Thấy vậy, trung tá Ninh đã tiến hành lập biên bản, xử lý hành chính vụ việc. Anh Hùng và ông Tùng không đồng ý dẫn tới việc hai bên giằng co, xô xát nhau. Kết quả, ông Tùng bị thương tích và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, rồi chuyển tới Bệnh viện Việt - Đức. Tại đây, các bác sĩ xác định nạn nhân Tùng bị tổn thương 2 đốt sống cổ, gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, làm tắc nghẽn đường phổi. Đến sáng 8.3, do thương tích quá nặng, ông Tùng đã tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra đã vào cuộc làm rõ. Trung tá Ninh đã bị đình chỉ công tác, tước quân tịch, đình chỉ sinh hoạt Đảng. Nguyên cán bộ công an này còn bị khởi tố, truy tố trước pháp luật về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Lương Kết
Nguồn: Lao Động


Những ai được tham dự phiên tòa?

Căn cứ theo quy định tại điều 18 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do bộ luật này quy định”.

Trang