http://vietminhtam.blogspot.com

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Cười ra nước mắt vụ “chị hàng xén bị rêu rao có nốt ruồi vùng kín

Cười ra nước mắt vụ “chị hàng xén bị rêu rao có nốt ruồi vùng kín”
Cập nhật: 17.12pm 12-12-2011 / Báo: anninhthudo.vn / Trong : Xã hội | Xem trang gốc

ANTĐ -Anh L cho rằng, trong ba năm qua mình đã “ngủ” với chị hàng xén tới bốn lần. Để chứng minh “tui nói thiệt”, anh khẳng định: “Ở “chỗ kín” của chị ấy có một nốt ruồi. Tui đề nghị tòa cho đi giám định...”
Cách đây gần 15 năm, các cơ quan tố tụng đã “đau đầu” khi giải quyết vụ án đòi bồi thường danh dự nhân phẩm đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó, chị V (ngụ tại khu vực chợ Nang, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) kiện anh L (cùng ngụ địa chỉ nêu trên) vì đã đi “rêu rao” khắp nơi từng có quan hệ bất chính với chị...

Rêu rao chuyện chăn gối giữa chợ đông
Khoảng giữa năm 1997, người dân ở khu vực chợ Nang liên tục nghe những tin đồn với nhiều tình tiết li kỳ về việc anh L đã quan hệ tình dục với chị V là một phụ nữ nhan sắc làm nghề bán hàng xén ở chợ. Khắp khu chợ, nhiều người tới không phải để mua bán mà chỉ để nghe câu chuyện “chả nem” của hai người đã yên bề gia thất.
Nhiều người dân ở địa phương cho biết, trước đó anh L và vợ chồng chị V có mối quan hệ rất thân thiết, lúc rảnh rỗi thường đi chơi, đi hát karaoke, dự tiệc với nhau. Ngay cả khi gia đình chị hàng xén mở tiệc cũng đều mời anh L đến dự cùng với nhiều bạn bè khác.
Cũng chính vì mối quan hệ thân tình đó đã khiến vợ anh L nghi ngờ chồng đã “tòm tem” với chị hàng xén. Nổi máu ghen, vợ anh đã đến chợ Nang để gây sự với chị V. Tại đây, hai bên đã cãi cọ, chửi bới rồi lao vào đánh nhau gây náo loạn cả khu vực. Sau vụ đánh ghen ầm ĩ này, chị V đã kiện vợ anh L ra tòa để đòi bồi thường sức khỏe. Tháng 7/1997, TAND huyện Quảng Điền đã thụ lý giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tưởng chuyện “thù oán” giữa hai bên đã được giải quyết, thế nhưng không ai ngờ một vài hôm sau, anh L đi khắp xóm làng phao tin việc mình đã từng quan hệ tình dục với chị V. Anh này còn “khoe như đúng rồi”: “Ngủ với cô ấy thiệt là… trên cả tuyệt vời”.

Chẳng mấy chốc, tin “động trời” này lan truyền khắp địa phương. Đi đâu cũng thấy người dân “túm năm tụm ba” bàn tán chuyện “trai trên gái dưới” của “cặp đôi” này: “Này, có biết ông ấy ngủ với cô hàng xén mấy lần không?”. “Nghe thằng L nói con ấy “đã” lắm”… Trước những lời xì xào, bàn tán của bà con xóm giềng, vợ chồng chị V thường xuyên xảy ra cãi vã, nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chị hàng xén bèn gửi đơn ra tòa kiện anh L đòi bồi thường danh dự nhân phẩm.
Oái oăm đề nghị giám định nốt ruồi “chỗ kín”
Câu chuyện “tai tiếng” ở vùng quê này càng trở nên “nóng” hơn, khi vào ngày 24/9/1997, hàng trăm người dân hiếu kỳ bỏ cả công việc để đến TAND huyện Quảng Điền xem xử vụ kiện của hai người. Tại tòa, chị hàng xén khẳng định là chưa bao giờ quan hệ tình dục với anh L, do đó việc anh này phao tin khắp chợ rằng chị đã quan hệ tình dục với anh là bịa đặt, vu khống. Từ đó, chị yêu cầu bị đơn phải bồi thường về danh dự, uy tín và nhân phẩm và tổn thất kinh tế là tổng cộng 15 triệu đồng, đồng thời phải xin lỗi chị công khai.
“Phản pháo” trước lời khai của nguyên đơn, anh L cho rằng, trong ba năm qua mình đã “ngủ” với chị hàng xén tới bốn lần. Để chứng minh “tui nói thiệt”, anh khẳng định: “Ở “chỗ kín” của chị ấy có một nốt ruồi. Tui đề nghị tòa cho đi giám định”.
Trước tình huống như vậy, TAND huyện Quảng Điền tỏ ra lúng túng nên phải làm công văn xin ý kiến TAND tỉnh Thừa - Thiên Huế. Tuy nhiên sau đó TAND tỉnh đã quyết định không cần thiết phải giám định nốt ruồi vì dù chị hàng xén có nốt ruồi ở “chỗ kín” hay không cũng thể là bằng chứng kết luận hai người từng có quan hệ tình dục.
Cơ quan tố tụng tiến hành xác minh lời khai của bị đơn nhưng cũng không có nhân chứng nào khẳng định có việc hai người ngủ với nhau. Vì vậy, tòa tuyên buộc anh L phải xin lỗi công khai và chấm dứt tuyên truyền, bịa đặt làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của nguyên đơn. Ngoài ra, tòa buộc bị đơn phải bồi thường một triệu đồng cho chị hàng xén để bù đắp tổn thất về tinh thần.
Sau khi xét xử sơ thẩm, anh L đã làm đơn chống án, cho rằng chưa đủ chứng cứ kết luận anh có xúc phạm nhân phẩm uy tín của chị V. Việc Tòa sơ thẩm không giám định nốt ruồi của chị hàng xén theo yêu cầu của anh là không công bằng.
Bên cạnh đó, VKSND huyện Quảng Điền kháng nghị bản án với nội dung: Việc anh L tung tin có quan hệ tình cảm là nhằm mục đích gì, và quan hệ bất chính chưa làm sáng tỏ?. Cơ quan công tố cũng cho rằng cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định cái… nốt ruồi.
Ngay cả bị đơn cũng kháng cáo, cho rằng, chị yêu cầu bồi thường 15 triệu nhưng tòa sơ thẩm chỉ xử một triệu là không thỏa đáng. Hơn nữa, chị này cho rằng “anh ấy sau phiên tòa sơ thẩm vẫn tiếp tục phao tin sai sự thật, vì vậy đề nghị tòa án chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra khởi tố anh ta về tội vu khống”.
Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận định, việc anh L nói có quan hệ tình dục với chị V không có chứng cứ cụ thể. Tòa cũng không chấp nhận yêu cầu giám định cái nốt ruồi vì đây không phải là căn cứ chứng minh anh từng có quan hệ tình dục với nguyên đơn. Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.
Đau đầu chỉ vì… cách xin lỗi
Bản án được giao cho cơ quan thi hành án huyện Quảng Điền tổ chức thi hành. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan này đành “bó tay” trong việc yêu cầu bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn theo quyết định bản án. Lý do là vào thời điểm đó, luật chưa có quy định, hướng dẫn cách thức thi hành án những vụ việc này. Ngay đến cả Cục thi hành án (Bộ Tư pháp) khi đó cũng “lắc đầu chịu chết” không thể hướng dẫn vì vấn đề quá mới, luật chưa quy định.
Để thi hành bản án, cơ quan thi hành án huyện đành “sáng tạo” bằng cách buộc anh L phải tự viết lời xin lỗi nguyên đơn; kèm yêu cầu đến khi nào họp dân toàn xã thì anh ta phải đọc lời xin lỗi công khai.
Đến ngày 23/3/1998, anh L đã viết đơn xin lỗi với nội dung: “Tôi tên là H.L, trú tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tôi thấy bản án số 78 ngày 25/11/1997 giữa tôi và bà V. là đúng nên bản thân tôi hoàn toàn nhất trí theo bản án mà tòa đã tuyên. Nay tôi viết đơn này để xin lỗi bà V. và chấm dứt hành vi tuyên truyền là có quan hệ tình dục với bà V”.
Mặc dù đơn xin lỗi đã viết xong nhưng rắc rối lại tiếp tục phát sinh khi anh L lại không chịu đọc bản xin lỗi trong cuộc họp toàn dân xã mà anh đề nghị cho đọc đơn xin lỗi trên đài truyền thanh xã. Tuy nhiên, một vấn đề khác phát sinh là nếu đọc trên đài truyền thanh xã thì anh L hay phát thanh viên đọc?.
Cơ quan thi hành án tỉnh Thừa Thiên - Huế lại một lần nữa lúng túng. Cứ “lằng nhằng như canh hẹ” suốt một thời gian dài như thế, phải mất một thời gian khá dài sau đó, cơ quan thi hành án mới có thể thuyết phục anh L đọc đơn xin lỗi chị V trước toàn dân trong địa phương. Vụ việc tạm ổn thỏa sau nhiều năm trời rắc rối.
Một cán bộ tư pháp tại địa phương, người đã trực tiếp tham gia vụ án này cho biết, vụ án nêu trên đã xảy ra cách đây 15 năm, thế nhưng cho đến nay vẫn còn mang tính… thời sự vì hiện nay luật vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức xin lỗi trong các trường hợp cá nhân xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhau.
“Cách thức xin lỗi mới được quy định trong trường hợp cơ quan thẩm quyền xin lỗi người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, việc xin lỗi là một hình thức khôi phục danh dự cho nhóm đối tượng này. Nếu giờ gặp lại một trường hợp nói xấu nhau, hết kiện tụng rồi lại chây ì xin lỗi, chắc tôi cũng lại loay hoay như ngày đó, rồi năn nỉ các bên cho xong công việc”, vị cán bộ này cho biết.


Theo Pháp luật & Thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang